Thương mại Việt - Trung tăng trưởng mạnh

Thương mại Việt - Trung tăng trưởng mạnh

30-12-2022

Biên phòng - Bất chấp dịch bệnh Covid-19, kim ngạch thương mại Việt Nam - Trung Quốc năm 2021 vẫn đạt gần 166 tỉ USD, tăng 24,6% so với năm trước. Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, thương mại song phương giữa Việt Nam và Trung Quốc trong những năm gần đây đều có mức tăng trưởng cao qua mỗi năm.

Chính quyền tỉnh Lạng Sơn đã thiết lập các vùng đệm xanh an toàn tại khu vực cửa khẩu với sự phân luồng từ xa để phục vụ xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc. Ảnh: Vi Toàn

Năm sau tăng trưởng hơn năm trước

Trong vòng 4 năm gần đây, thương mại Việt Nam - Trung Quốc đã có những bước tiến mới với những kết quả rất khả quan. Năm 2018, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu (XNK) của Việt Nam là hơn 106 tỷ USD, tăng 12,7 tỷ USD so với năm 2017. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu (XK) của Việt Nam sang Trung Quốc đạt hơn 41 tỷ USD, tăng gần 5,9 tỷ USD so với năm 2017. Kim ngạch nhập khẩu (NK) từ Trung Quốc là hơn 65 tỷ USD, tăng hơn 6,8 tỷ USD.

Năm 2019, tổng kim ngạch thương mại giữa hai nước tăng lên mức hơn 116,8 tỷ USD. Bước sang năm 2020, dù chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của đại dịch Covid-19, tổng kim ngạch XNK giữa Việt Nam và Trung Quốc vẫn phát triển lên mức 133 tỷ USD. Việt Nam xuất sang Trung Quốc hàng hóa trị giá hơn 48,9 tỷ USD (tăng 17,95%) và nhập hơn 84 tỷ USD hàng hóa của nước láng giềng này (tăng 11,55%).

Năm 2021, làn sóng dịch thứ 4 gây ảnh hưởng nặng nề tới chuỗi cung ứng hàng hóa của Việt Nam, có những thời điểm ùn ứ hàng hóa kéo dài tại các cửa khẩu biên giới, nhưng kim ngạch XK hàng hóa từ Việt Nam sang Trung Quốc vẫn tăng trưởng ấn tượng. Theo thống kê của Hải quan Việt Nam, nước ta XK hàng hóa sang thị trường Trung Quốc đạt gần 56 tỷ USD, tăng 14,5% và NK xấp xỉ 110 tỷ USD từ nước này, tăng tới 30,5% so với năm 2020. Với kết quả này, Trung Quốc tiếp tục là đối tác thương mại lớn nhất và thị trường XK lớn thứ hai của Việt Nam. Việt Nam tiếp tục là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong ASEAN và đối tác thương mại lớn thứ 6 của Trung Quốc trên thế giới (sau các nước Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức và Australia).

Sang đầu năm 2022, phía Trung Quốc đang phải đối phó với đợt bùng phát dịch Covid-19 mới, nhiều cửa khẩu biên giới đất liền với Việt Nam phải tạm dừng thông quan hàng hóa để triển khai công tác phòng chống dịch, nhưng kim ngạch XNK giữa hai nước vẫn tăng trưởng dương. Bộ Công thương cho biết, quý I-2022, kim ngạch XK của Việt Nam sang Trung Quốc đạt 13,7 tỉ USD, tăng 9,2% so với cùng kỳ năm 2021 và nhập khẩu hàng hóa trị giá 23,8 tỷ USD từ Trung Quốc, tăng 47,3%.

Những con số trên cho thấy, kim ngạch thương mại song phương Việt Nam - Trung Quốc vẫn tăng trưởng mạnh mẽ, dù dịch Covid-19 gây ra nhiều trở ngại, chuỗi sản xuất gặp nhiều khó khăn. Kết quả đó là nhờ lợi thế quan hệ thương mại truyền thống và những nỗ lực tháo gỡ khó khăn trong hoạt động thương mại, nhất là thương mại biên giới của các cơ quan chức năng hai nước. Một trong những yếu tố nữa tác động đến sự phát triển giữa thương mại hai nước là những ưu thế về mặt địa lý, sự tương đồng văn hóa và thói quen tiêu dùng.

Đẩy mạnh giao thương chính ngạch

Với quy mô dân số lớn, Trung Quốc hiện là thị trường XK vẫn còn rất nhiều tiềm năng đối với Việt Nam. Một trong những điều đáng lưu ý đối với các doanh nghiệp Việt Nam là Trung Quốc hiện rất chú trọng tới chất lượng sản phẩm, không còn là thị trường “dễ tính” nữa. Điều này đã được cụ thể hóa bằng việc Hải quan Trung Quốc ban hành Lệnh số 248 về “Quy định về đăng ký và quản lý doanh nghiệp sản xuất thực phẩm NK nước ngoài” và Lệnh số 249 về “Biện pháp quản lý an toàn thực phẩm XNK” có hiệu lực từ đầu năm nay nhằm tăng cường các biện pháp, quy định, tiêu chuẩn về quản lý chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, truy xuất nguồn gốc, bao bì đóng gói đối với sản phẩm nông sản thực phẩm NK.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần chú trọng thay đổi phương thức giao thương với Trung Quốc. Thực tế, các doanh nghiệp Việt Nam vẫn đang giữ thói quen XK hàng hóa qua Trung Quốc dưới hình thức thương mại tiểu ngạch biên giới và thương mại cư dân biên giới. Tuy nhiên, với những yêu cầu và tiêu chuẩn cao đối với hàng hóa nông sản NK cùng hàng loạt những thay đổi trong chính sách NK của Hải quan Trung Quốc, trong thời gian tới, hoạt động thương mại biên giới sẽ không còn là phương án XK có thể sử dụng đối với những doanh nghiệp muốn làm ăn lâu dài với thị trường khổng lồ này.

Thời gian qua, các cơ quan chức năng của Việt Nam, trong đó có lực lượng BĐBP tại các cửa khẩu biên giới đất liền tuyến Việt Nam - Trung Quốc đã nhiều lần hội đàm, điện đàm với các đối tác phía Trung Quốc để trao đổi các nội dung nhằm tìm kiếm các giải pháp tạo thuận lợi cho thương mại song phương, nhất là giải quyết tình trạng ùn tắc hàng hóa tại khu vực biên giới giữa hai nước. Hiện, phía Việt Nam đã và đang triển khai xây dựng các vùng đệm xanh an toàn tại khu vực cửa khẩu với quy trình, tiêu chuẩn phòng, chống dịch Covid-19 hài hòa với phía Trung Quốc để phục vụ XK nông sản. Cùng với đó là đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, kho bãi tại các cửa khẩu đáp ứng nhu cầu lưu kho, bảo quản hàng hóa chờ XK...

Về lâu dài, các bộ, ngành, cơ quan chức năng xác định việc chuyển đổi XK sang Trung Quốc theo hình thức XK chính ngạch cũng chính là ưu tiên hàng đầu trong việc giảm thiểu rủi ro ùn ứ hàng hóa tại cửa khẩu biên giới đất liền và là hướng đi tối ưu trong việc XK nông sản bền vững sang thị trường Trung Quốc trong tương lai.

Bộ Công thương đã đề nghị các doanh nghiệp, thương nhân cần chủ động chuyển nhanh, chuyển mạnh hoạt động XK hàng hóa sang thị trường Trung Quốc theo hình thức chính ngạch (mua bán theo hợp đồng với các điều kiện giao dịch, giao nhận rõ ràng, giao hàng tại cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính). Bởi trên thực tế, trong những thời điểm khó khăn nhất, XK chính ngạch vẫn lưu thông bình thường, trong khi XK tiểu ngạch tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Các địa phương, doanh nghiệp cũng cần thực hiện nghiêm túc các quy định về truy xuất nguồn gốc, mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói, ghi nhãn... đáp ứng quy định, tiêu chuẩn đã thỏa thuận với bạn hàng. Đồng thời, chuyển phương thức vận tải hàng hóa bằng đường biển, đường sắt sang Trung Quốc.

 

Tác giả: Nguyễn Bích

bg_dangky