Giao lưu văn hóa (GLVH) là hiện tượng phổ biến của xã hội loài người, vừa gắn với sự tiến hóa xã hội, vừa gắn với sự phát triển văn hóa của mỗi cộng đồng. Với đặc điểm địa lý đặc biệt, với tính chất cởi mở, khoan dung, văn hóa Việt Nam từ rất sớm, đã có điều kiện thuận lợi để giao lưu, tiếp biến với các nền văn hóa khác. Trong đó, GLVH Việt Nam - Trung Quốc có thể nói là mối giao lưu lâu dài, phức tạp, nhiều thăng trầm nhất, đồng thời cũng là quan hệ bền vững, đạt nhiều thành tựu và có ảnh hưởng to lớn nhất đến mỗi quốc gia. Quá trình GLVH giữa hai nước đã tác động tích cực đến các lĩnh vực chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa, an ninh, quốc phòng. Bài viết làm rõ vai trò của GLVH Việt Nam - Trung Quốc đối với sự phát triển của hai quốc gia trong giai đoạn hiện nay.
1. Về kinh tế, xã hội
Trước hết, GLVH mở đường cho sự hợp tác kinh tế. Trong những năm gần đây, do hoạt động GLVH diễn ra thường xuyên, tích cực và hiệu quả, nên hai nước đã tiến hành ký kết nhiều văn bản, chương trình hợp tác kinh tế, thương mại. Chẳng hạn, do hoạt động giao lưu sôi động về du lịch, giáo dục, nghệ thuật giữa các tỉnh biên giới, người dân địa phương cũng như chính quyền, các tổ chức hai bên đã gần gũi, chia sẻ với nhau về phong tục tập quán, thị hiếu thẩm mỹ... vì vậy, quan hệ kinh tế giữa các địa phương biên giới đã có nhiều chuyển biến tích cực, đi đến nhiều thỏa thuận hợp tác quan trọng như: Cao Bằng và Quảng Ninh đã lần lượt ký kết Hiệp định hợp tác khai thác, bảo vệ tài nguyên du lịch khu vực thác Bản Giốc (Cao Bằng), Hiệp định tàu thuyền đi lại tại khu vực tự do ở cửa sông Bắc Luân (Quảng Ninh). Các tỉnh Lào Cai, Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh và Vân Nam tổ chức Hội nghị hợp tác hành lang kinh tế (12-2015). Lạng Sơn và Quảng Tây đẩy mạnh hợp tác khu kinh tế xuyên biên giới giữa hai bên. Ban Quản lý Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng, tỉnh Lạng Sơn ký Bản ghi nhớ về xây dựng cơ chế trao đổi hội đàm định kỳ với chính quyền thị xã Bằng Tường, Quảng Tây, Trung Quốc. Cao Bằng thành lập Ban chỉ đạo hợp tác với thành phố Bách Sắc, thành phố Sùng Tả, Quảng Tây, Trung Quốc; ký kết 9 văn kiện trên các lĩnh vực nông nghiệp, xuất khẩu nông sản, hải sản qua cửa khẩu Long Bang - Trà Lĩnh. Ngoài ra, tỉnh Lào Cai chỉ đạo các cơ quan hữu quan tiếp tục phối hợp triển khai các công việc liên quan đến xây dựng Khu hợp tác kinh tế qua biên giới Lào Cai - Hà Khẩu; tích cực khai thác có hiệu quả tuyến đường bộ cao tốc Côn Minh - Hà Khẩu - Lào Cai - Hà Nội và cặp cửa khẩu quốc tế Lào Cai - Hà Khẩu; thúc đẩy xây dựng hành lang kinh tế Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh...
Mặt khác, GLVH thúc đẩy hoạt động các ngành kinh tế phát triển. Qua giao lưu về du lịch, các cá nhân, tổ chức của hai nước có cơ hội hiểu rõ về tiềm năng du lịch, thị trường hàng hóa và dịch vụ, cũng như tâm lý, nhu cầu, thị hiếu của nhân dân nước bạn, từ đó có sự ưu tiên trong đầu tư phát triển kinh tế du lịch và xúc tiến thương mại, phát triển các ngành kinh tế khác. GLVH còn giúp khai thác các ngành công nghiệp văn hóa. Trung Quốc thông qua công nghiệp điện ảnh đã mang văn hóa tới các nước khu vực, quảng bá văn hóa gắn liền với phát triển du lịch, và thu về các khoản lợi nhuận cao.
Kết quả của hoạt động GLVH, đặc biệt là lĩnh vực giáo dục, đã góp phần quan trọng trong đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho sự phát triển của mỗi nước.
Trong những năm gần đây, cùng với sự tiến triển về quan hệ hợp tác GLVH Việt Nam - Trung Quốc, kinh tế hai nước đã có những tăng trưởng nhanh và ổn định. Thương mại hai chiều Việt Nam - Trung Quốc tăng trưởng tốt. Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, năm 2021 thương mại hai chiều đạt 165,8 tỉ USD, tăng 24,6% so với năm trước. Trong đó, xuất khẩu hàng hóa sang thị trường này đạt gần 56 tỉ USD, tăng 14,5% và nhập khẩu xấp xỉ 110 tỉ USD từ Trung Quốc, tăng tới 30,5% so với năm 2020. Tháng 1-2022, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam (2). Số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam cho thấy, bất chấp dịch bệnh COVID-19, kim ngạch thương mại Việt Nam - Trung Quốc năm 2021 vẫn đạt 165,8 tỷ USD, tăng 24,6% so năm trước... Theo số liệu thống kê của Hải quan Trung Quốc, kim ngạch hai chiều lần đầu tiên vượt ngưỡng 200 tỷ USD, đạt 230,2 tỷ USD, tăng 19,7% so năm trước nếu tính theo đồng USD và 12% khi tính bằng đồng nhân dân tệ... Với kết quả này, Trung Quốc tiếp tục là đối tác thương mại lớn nhất và thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam. Ngược lại, Việt Nam tiếp tục là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong ASEAN và đối tác thương mại lớn thứ 6 của Trung Quốc trên thế giới sau các nước Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức và Australia ...
2. Về văn hóa
GLVH có vai trò quan trọng đối với sự phát triển nền văn hóa của hai quốc gia.
Thứ nhất, nhờ GLVH, nền văn hóa của mỗi nước có sự phát triển phong phú, đa dạng hơn. Từ các hoạt động GLVH, nền văn hóa mỗi nước đã tổng hợp, tích hợp các yếu tố ngoại sinh thành các yếu tố nội sinh, làm thay đổi nhiều về diện mạo và nội dung của nền văn hóa. Chúng ta tiếp nhận từ Trung Hoa khí chất mạnh mẽ của nền văn hóa du mục, nước bạn lại cần ở chúng ta sự mềm mại, cởi mở, linh hoạt của văn hóa lúa nước. Đặc biệt, cả Trung Quốc và Việt Nam đều là quốc gia đa dân tộc, sự đa dạng trong bản sắc văn hóa của các dân tộc anh em chính là mảnh đất màu mỡ, nhiều ẩn số lý thú mà mỗi lần giao lưu, trao đổi, thì sự tri nhận của con người, sự giàu có của các nền văn hóa lại càng được nhân lên.
Thứ hai, GLVH thúc đẩy nhu cầu giữ gìn bản sắc văn hóa. Quá trình giao lưu, trao đổi văn hóa giúp các quốc gia tiếp nhận những giá trị và thành tựu văn hóa nổi bật của nhân loại để làm giàu thêm kho tàng văn hóa của mình, nhưng đồng thời, trong quá trình giao lưu đó, đứng trước sự đa dạng văn hóa, trước sự du nhập các yếu tố ngoại sinh, bản thân mỗi nền văn hóa sẽ tự phản tư, thức tỉnh, từ đó nảy sinh năng lực tự đề kháng và ý thức giữ gìn, khẳng định bản sắc văn hóa dân tộc. GLVH vì thế không chỉ có ý nghĩa thức tỉnh mà còn giúp mỗi quốc gia đề ra định hướng trong việc gìn giữ, phát huy và điều chỉnh các giá trị văn hóa riêng cho phù hợp với dòng chảy phát triển chung của văn hóa nhân loại. Trong quá trình GLVH Việt Nam - Trung Quốc, nhân dân hai nước sẽ hiểu hơn những giá trị, sản phẩm văn hóa vật thể, phi vật thể của nước mình và nước bạn, từ đó có tinh thần khoan dung văn hóa, có thái độ trách nhiệm với văn hóa nhân loại. Mặt khác cũng có tinh thần trân trọng, giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.
Thứ ba, GLVH góp phần hiện đại hóa nền văn hóa dân tộc. Trong quá trình giao lưu, hai nền văn hóa Việt Nam và Trung Quốc có cơ hội để chuyển giao vốn, khoa học kỹ thuật, công nghệ, kinh nghiệm hiện đại hóa nền văn hóa dân tộc. Đây cũng là cơ hội để mỗi quốc gia tiếp cận thị trường hàng hóa và dịch vụ văn hóa, tham gia thị trường văn hóa phẩm của nhau một cách bình đẳng. Xuất, nhập khẩu văn hóa tăng đã đáp ứng nhiều nhu cầu văn hóa khác nhau của nhân dân mỗi nước. Mặt khác, khi được tiếp xúc với những yếu tố văn hóa mới của nước bạn, mỗi nền văn hóa sẽ nảy sinh nhu cầu tự thân sáng tạo yếu tố văn hóa mới để tiếp tục giao lưu và phát triển.
Hình ảnh chỉ mang tính minh họa
3. Về an ninh, quốc phòng
Vấn đề an ninh, quốc phòng đối ngoại phụ thuộc rất lớn vào sự hòa bình, ổn định ở các tỉnh vùng biên. Việt Nam và Trung Quốc là hai quốc gia láng giềng có đường biên giới dài, nhiều cửa khẩu, điều đó có nhiều thuận lợi nhưng đồng thời cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây bất ổn chính trị, quốc phòng, an ninh. Chính vì vậy, cả hai nước rất coi trọng sự hợp tác nhằm bảo đảm ổn định, hòa bình ở biên giới.
Trong thời gian gần đây, các hoạt động giao lưu khu vực vùng biên diễn ra thường xuyên, sôi nổi cả phương diện quan phương và phi quan phương. Do vị trí địa lý gần gũi, thuận tiện, các tỉnh vùng biên luôn có những cuộc giao lưu như: đồng tổ chức liên hoan hữu nghị, hội thảo, triển lãm, cầu truyền hình, hội thi văn nghệ... Hằng năm, Diễn đàn nhân dân Việt - Trung đều diễn ra dưới sự đồng tổ chức của Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam và Hội hữu nghị đối ngoại nhân dân Trung Quốc... 7 tỉnh vùng biên nước ta trong thời gian qua đã đảm nhiệm vai trò giao lưu, hợp tác với các tỉnh nước bạn rất tích cực. Chẳng hạn, Lào Cai phối hợp với Bộ Quốc phòng hai nước và tỉnh Vân Nam tổ chức thành công hoạt động Giao lưu hữu nghị Quốc phòng biên giới Việt - Trung lần thứ 2 tại Lào Cai và Vân Nam. Tỉnh Quảng Ninh mời đoàn nghệ thuật của Trung Quốc tham dự Lễ hội Carnival Hạ Long. Ngoài ra, nhân các dịp lễ lớn, Tết cổ truyền, ngày Quốc khánh, kiến giao, các địa phương giáp biên đều gửi điện thăm hỏi, chúc mừng lẫn nhau. Các địa phương hai nước cũng tăng cường trao đổi đoàn các cấp, các ngành; các huyện biên giới qua lại thăm hỏi, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm và đẩy mạnh hợp tác đào tạo… Thông qua những hoạt động này, các địa phương biên giới đã củng cố, phát triển mối quan hệ chính trị tốt đẹp. Hai bên đã tăng cường sự tin cậy, đảm bảo an ninh biên giới hai bên, đồng thời duy trì đường biên giới hữu nghị, hòa bình, ổn định và phát triển. Nhờ đó, hoạt động trao đổi đoàn các cấp diễn ra thuận lợi, các văn bản hợp tác được ký kết thường xuyên hơn, đặc biệt là hợp tác về quản lý cửa khẩu, phòng chống tội phạm xuyên biên giới...
Từ năm 2008 trở đi, hai năm một lần, Bộ Công an của hai nước phối hợp tổ chức Hội nghị hợp tác phòng chống tội phạm, trong đó thống nhất đánh giá sự phối hợp giữa lực lượng công an hai nước không ngừng tăng cường, cơ chế hợp tác nghiệp vụ hai bên, khẳng định tiếp tục trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm về đấu tranh phòng chống tội phạm xuyên quốc gia, hỗ trợ nhau về trang thiết bị, kỹ thuật... Hằng năm, hai nước cũng phối hợp tổ chức nhiều cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm ở khu vực biên giới hai quốc gia... Nhìn chung, những kết quả đạt được trong các lĩnh vực hợp tác giữa hai Bộ trong thời gian qua đã góp phần bảo vệ an ninh trật tự của mỗi nước, thúc đẩy mối quan hệ truyền thống tốt đẹp giữa hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước.
Đặc biệt, hai nước chú trọng đẩy mạnh giao lưu thế hệ trẻ với quy mô ngày càng lớn và hình thức ngày càng đa dạng, phong phú như: Gặp gỡ hữu nghị thanh niên Việt Nam - Trung Quốc, Diễn đàn hợp tác sinh viên Việt - Trung. Thông qua các hoạt động này, các bạn trẻ - chủ nhân tương lai của hai nước được giáo dục truyền thống hữu nghị tốt đẹp giữa Việt Nam - Trung Quốc, củng cố tình đoàn kết, hiểu biết lẫn nhau và chung tay góp phần thúc đẩy mối quan hệ song phương ngày càng tốt đẹp hơn trong tương lai.
Về vấn đề biên giới lãnh thổ, biên giới trên bộ Việt Nam - Trung Quốc duy trì hòa bình, ổn định. Hai bên phối hợp chặt chẽ, xử lý thỏa đáng vấn đề nảy sinh trên cơ sở 3 văn kiện pháp lý về biên giới trên đất liền. Về vấn đề trên biển, hai bên duy trì thông suốt các kênh đối thoại, đàm phán, nỗ lực kiểm soát bất đồng, giải quyết thỏa đáng vụ việc nảy sinh bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982.
Hình ảnh chỉ mang tính minh họa
GLVH góp phần phát triển xã hội của hai quốc gia. Với niềm tin chiến lược đã được định vị qua trường kỳ lịch sử, hợp tác kinh tế giữa hai quốc gia vẫn tiếp tục phát triển trong những năm qua, dù dịch bệnh COVID-19 và những khó khăn, trở ngại trong kiểm soát dịch bệnh giữa hai nước, chuỗi sản xuất của Việt Nam gặp nhiều khó khăn, nhu cầu về tiêu dùng của thị trường Trung Quốc giảm so với các năm trước… Theo Đại sứ Phạm Sao Mai, hợp tác phòng chống dịch COVID-19 là điểm sáng mới trong hợp tác song phương. Từ khi dịch bệnh bùng phát đến nay, hai bên luôn dành cho nhau sự hỗ trợ, hợp tác hiệu quả, cả ở cấp chính phủ, bộ/ ngành, địa phương và doanh nghiệp, đóng góp tích cực cho công tác phòng chống, kiểm soát dịch bệnh ở mỗi nước. Trung Quốc hiện đang là một trong những quốc gia cung cấp vaccine nhiều nhất cho Việt Nam.
Mặt khác, GLVH giữa hai quốc gia góp phần nâng cao dân trí, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực... Sử dụng có trách nhiệm và bền vững các giá trị văn hóa và tự nhiên trong GLVH phát triển du lịch sẽ cải thiện đời sống vật chất và tinh thần, từ đó góp phần ổn định xã hội, tạo động lực cho sự phát triển nhanh, bền vững của mỗi quốc gia.
Ths HOÀNG THỊ HƯƠNG TRÀ
Nguồn: Tạp chí VHNT số 500, tháng 6-2022